Bệnh giang mai có chữa được không? Phác đồ điều trị giang mai Bộ Y tế

Bệnh giang mai không chỉ gây ra những tổn thương ở bộ phận sinh dục mà còn có thể gây ra các biến chứng ở tim, não bộ, thần kinh. Việc phát hiện sớm và chữa trị triệt để là điều hết sức cần thiết. Vậy bệnh giang mai có chữa được không? Phác đồ điều trị giang mai của Bộ Y tế như thế nào?

Bệnh giang mai có chữa được không? Phác đồ điều trị giang mai Bộ Y tế
Bệnh giang mai có chữa được không? Phác đồ điều trị giang mai Bộ Y tế

1. Bệnh giang mai có nguy hiểm không?

Bệnh giang mai là một căn bệnh rất nguy hiểm, nó không chỉ gây tổn thương cho nơi bị nhiễm trùng mà còn có thể gây ra những biến chứng đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Nếu bệnh giang mai không được điều trị, nó có thể phát triển những biến chứng sau:

  • Các vấn đề liên quan đến tim mạch như: Đau thắt ngực, suy tim, phình động mạch chủ
  • Các vấn đề về não bộ và hệ thần kinh (giang mai thần kinh): Người bệnh bị đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, yếu cơ, teo cơ, suy giảm trí nhớ, thay đổi tính cách, mất trí nhớ, vấn đề về thị lực và thính giác, đột quỵ, liệt toàn thân…
  • Ảnh hưởng tới thai nhi: Nếu phụ nữ mang thai mắc giang mai thì có nguy cơ bị sảy thai hoặc thai chết lưu, ngoài ra trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc các triệu chứng về thần kinh, mắt, mắc giang mai bẩm sinh…
  • Tăng nguy cơ nhiễm HIV và các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như chlamydia, lậu… Người mắc giang mai có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 2 lần bình thường.
  • Các vấn đề tổn thương khác ở da, xương, tinh hoàn, gan…

2. Bệnh giang mai có chữa khỏi hoàn toàn được không?

Câu hỏi mà nhiều người quan tâm là “Bệnh giang mai có chữa được không, liệu có chữa khỏi được hoàn toàn?” Câu trả lời là CÓ.

Các chuyên gia cho biết, bệnh giang mai hoàn toàn có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện và chữa trị đúng phác đồ ở giai đoạn sớm bằng kháng sinh. Nếu người bệnh để lâu không chữa bệnh, nhiễm trùng sẽ ngày càng lan rộng, gây tổn thương cho nhiều cơ quan trong cơ thể khiến cho việc điều trị mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, việc điều trị bằng kháng sinh không giúp khắc phục được mọi tổn thương mà nhiễm trùng gây ra. Do vậy, nếu nghi ngờ nhiễm giang mai, người bệnh nên đi xét nghiệm ngay và điều trị sớm để hạn chế tối đa những tổn thương có thể gặp phải. Đồng thời, cần điều trị cho cả bạn tình để tránh nguy cơ tái nhiễm.

3. Bệnh giang mai bẩm sinh có chữa được không?

Bệnh giang mai bẩm sinh là tình trạng trẻ sinh ra đã mắc bệnh giang mai do người mẹ mắc giang mai trong quá trình mang thai và lây truyền vi khuẩn sang thai nhi, thường xảy ra từ tháng thứ 4 – 5 của thai kỳ.

Nghiên cứu cho thấy, có đến 40% trường hợp thai nhi bị chết lưu nếu người mẹ mang thai mắc giang mai mà không được điều trị, các trường hợp khác có thể gặp các biến chứng bao gồm sinh non, nhẹ cân. 

Các triệu chứng như thiếu máu, vàng da, gan lách to và không phát triển có thể gặp phải ngay từ khi trẻ được sinh ra. Một số trẻ có thể không có triệu chứng gì trong nhiều năm và sau này các biến chứng về thần kinh mới bắt đầu biểu hiện rõ ràng.

Bệnh giang mai bẩm sinh có thể được chữa khỏi bằng thuốc, chữa bệnh càng sớm thì hiệu quả càng cao và không để lại biến chứng. Đây cũng là phương pháp để phòng ngừa tổn thương bẩm sinh cho thai nhi, một khi thai nhi đã bị tổn thương thì có nguy cơ để lại di chứng lâu dài.

Vì vậy, tất cả các phụ nữ cần làm xét nghiệm tầm soát giang mai tiền hôn nhân, trước khi mang thai và 3 tháng đầu thai kỳ để chữa bệnh càng sớm càng tốt, đặc biệt là trước khi sinh 4 tuần nhằm tránh nguy cơ lây giang mai cho thai nhi.

Bệnh giang mai có chữa khỏi được không?
Phụ nữ cần làm xét nghiệm tầm soát giang mai trước và trong khi mang thai

4. Phác đồ điều trị bệnh giang mai Bộ Y tế

Việc điều trị giang mai cần tuân thủ đúng phác đồ để đạt hiệu quả tốt nhất. Phác đồ điều trị bệnh giang mai Bộ Y tế được hướng dẫn trong Quyết định số 5186/QĐ-BYT ngày 09 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Cụ thể như sau:

4.1. Nguyên tắc điều trị

Việc lựa chọn phác đồ điều trị ra sao sẽ căn cứ vào các giai đoạn của bệnh giang mai, bao gồm: Giang mai sớm (thời gian mắc từ 2 năm trở xuống) và giang mai muộn (thời gian mắc trên 2 năm hoặc không xác định thời gian).

Bạn tình hiện tại và bạn tình trong vòng 1 năm cần được đi khám, xét nghiệm và điều trị giang mai nếu mắc bệnh.

Việc điều trị chủ yếu là ngoại trú, chỉ điều trị nội trú trong trường hợp giang mai thời kỳ thứ 3 (có triệu chứng tim mạch và thần kinh) và giang mai bẩm sinh.

4.2. Cách điều trị bệnh giang mai cụ thể

4.2.1. Trường hợp bệnh nhân người lớn và vị thành niên

a. Giang mai sớm (≤ 2 năm)

+ Phác đồ ưu tiên:

Điều trị bằng Benzathin penicillin 2,4 triệu đơn vị, tiêm bắp sâu, liều duy nhất.

+ Phác đồ thay thế:

Nếu không có thuốc benzathin penicillin, bác sĩ có thể thay thế bằng phác đồ sau: Procain penicillin 1,2 triệu đơn vị, tiêm bắp sâu, 1 lần/ngày, thời gian điều trị trong 10-14 ngày.

Trường hợp không có procain penicillin hoặc người bệnh có tiền sử dị ứng với penicillin thì bác sĩ có thể lựa chọn một trong các phác đồ sau:

  • Doxycyclin 100mg, sử dụng đường uống 2 lần/ ngày, trong 14 ngày;
  • Ceftriaxon 1g, tiêm bắp sâu, 1 lần/ ngày, trong 10-14 ngày;
  • Azithromycin 2g, uống liều duy nhất.

b. Giang mai muộn (thời gian mắc trên 2 năm hoặc không rõ thời gian mắc)

+ Phác đồ ưu tiên:

Sử dụng Benzathin penicillin 2,4 triệu đơn vị, tiêm bắp sâu, 1 lần/ tuần, trong 3 tuần liên tiếp, thời gian giữa 2 lần tiêm không quá 14 ngày

+ Phác đồ thay thế:

Nếu không có benzathin penicillin, bác sĩ có thể sử dụng phác đồ thay thế như sau: Procain penicillin 1,2 triệu đơn vị, tiêm bắp sâu, 1 lần/ngày, trong 20 ngày.

Trường hợp không có procain penicillin hoặc người bệnh có tiền sử dị ứng với penicillin, bác sĩ có thể áp dụng phác đồ điều trị sau: Doxycyclin 100mg, sử dụng đường uống 2 lần/ ngày, thời gian điều trị trong 30 ngày.

Phác đồ điều trị giang mai của Bộ Y tế
Phác đồ điều trị giang mai của Bộ Y tế

4.2.2. Cách điều trị bệnh giang mai cho phụ nữ có thai

a. Giang mai sớm (≤2 năm)

+ Phác đồ ưu tiên:

Ưu tiên điều trị bằng thuốc Benzathin penicillin với liều lượng là 2,4 triệu đơn vị, tiêm bắp sâu, tiêm duy nhất một liều.

+ Phác đồ thay thế:

Trong trường hợp nơi điều trị không có benzathin penicillin, bác sĩ có thể thay thế bằng phác đồ sau: Procain penicillin với liều lượng 1,2 triệu đơn vị, tiêm bắp sâu, 1 lần/ngày, trong 10 ngày.

Trường hợp không có procain penicillin hoặc người bệnh có tiền sử dị ứng với penicillin, có thể thay thế bằng một trong các phác đồ sau:

  • Erythromycin 500mg, dùng đường uống với liều dùng 4 lần/ ngày, uống trong 14 ngày
  • Ceftriaxon 1g, tiêm bắp sâu, liều dùng 1 lần/ ngày, trong 10-14 ngày
  • Azithromycin 2g, uống liều duy nhất

b. Giang mai muộn (> 2 năm hoặc không biết chính xác thời gian mắc)

+ Phác đồ ưu tiên:

Ưu tiên sử dụng thuốc Benzathin penicillin 2,4 triệu đơn vị, tiêm bắp sâu, liều dùng 1 lần/ tuần trong 3 tuần liên tiếp, khoảng cách giữa 2 lần tiêm không quá 14 ngày

+ Phác đồ thay thế:

Trường hợp không có benzathin penicillin, có thể sử dụng phác đồ thay thế như sau: Procain penicillin 1,2 triệu đơn vị, tiêm bắp sâu, liều dùng 1 lần/ngày, trong 20 ngày.

Trường hợp không có procain penicillin hoặc người bệnh có tiền sử dị ứng với penicillin, bác sĩ có thể sử dụng phác đồ sau: Erythromycin 500mg, sử dụng đường uống, liều dùng 4 lần/ ngày, trong 30 ngày.

Lưu ý:

+ Erythromycin, azithromycin là những thuốc không đi qua nhau thai nên trẻ sau khi sinh ra từ người mẹ mắc giang mai cần được điều trị ngay bằng phác đồ điều trị giang mai bẩm sinh dưới đây.

+ Chống chỉ định thuốc Doxycyclin cho phụ nữ mang thai vì thuốc này có thể gây ra biến chứng nguy hiểm cho thai nhi.

4.2.3. Cách điều trị bệnh giang mai bẩm sinh

a. Chỉ định điều trị:

Chỉ định điều trị cho các trường hợp sau:

  • Điều trị cho bệnh nhân giang mai bẩm sinh đã được chẩn đoán xác định.
  • Trẻ sơ sinh không có triệu chứng lâm sàng, nhưng có mẹ mắc giang mai chưa được điều trị hoặc điều trị chưa đầy đủ hoặc điều trị muộn (trong vòng 30 ngày trước khi sinh), hoặc điều trị với phác đồ không dùng penicillin, không theo hướng dẫn phác đồ điều trị cho phụ nữ mang thai ở mục trên.

b. Phác đồ điều trị

Bác sĩ có thể lựa chọn điều trị bằng một trong những phác đồ sau đây:

  • Benzyl penicillin với liều lượng 100.000 – 150.000 đơn vị/kg/ngày, tiêm tĩnh mạch chậm trong 10-15 ngày
  • Procain penicillin với liều lượng 50.000 đơn vị /kg/ngày, tiêm bắp 10-15 ngày.

Trong trường hợp có thể tiêm tĩnh mạch thì nên ưu tiên sử dụng phác đồ benzyl penicillin hơn phác đồ procain penicillin.

Đối với những trẻ sơ sinh không có biểu hiện lâm sàng và người mẹ khi mang thai đã được điều trị đầy đủ, không có biểu hiện tái nhiễm, chỉ cần theo dõi chặt chẽ. Nguy cơ giang mai lây từ người mẹ sang con phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Hiệu giá kháng thể xét nghiệm không đặc hiệu của mẹ (VD: RPR), thời gian điều trị, giai đoạn bệnh của người mẹ. Nếu cần điều trị thì sử dụng phác đồ sau:

  • Benzathin penicillin G 50.000 đơn vị/kg/ngày, tiêm bắp, liều duy nhất.

5. Thời gian điều trị bệnh giang mai bao lâu?

Để điều trị bệnh giang mai dứt điểm, người bệnh cần tuân thủ theo liệu trình điều trị mà bác sĩ chỉ định, không được tự ý ngừng điều trị, ngay cả khi không còn triệu chứng.

Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ lịch tái khám và thực hiện các xét nghiệm kiểm tra tiếp theo của bác sĩ để đảm bảo việc điều trị thành công. Chỉ khi bác sĩ xác nhận bạn đã hoàn toàn khỏi bệnh thì mới có thể đảm bảo quá trình điều trị đã hoàn thành.

Thời gian điều trị bệnh giang mai bao lâu sẽ tùy thuộc vào từng đối tượng, giai đoạn mắc bệnh, phương pháp điều trị như trong phần phác đồ điều trị nói trên. Ngoài ra, ý thức của người bệnh cũng rất quan trọng ảnh hưởng đến thời gian điều trị. Trong quá trình chữa bệnh, người bệnh không được quan hệ tình dục, đồng thời, bạn tình cũng phải được điều trị cùng lúc để ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm.

Trên đây là thông tin giải đáp thắc mắc về việc bệnh giang mai có chữa khỏi được hoàn toàn không, cũng như chi tiết phác đồ điều trị giang mai Bộ Y tế.

Tóm lại, giang mai là căn bệnh có thể điều trị khỏi và nên được điều trị càng sớm càng tốt để hạn chế những biến chứng do bệnh gây ra. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan trong cơ thể và thậm chí là gây tử vong.

Nếu bạn có thắc mắc cần được bác sĩ tư vấn, hãy liên hệ Thẩm mỹ Nam khoa Megadom qua số Hotline 096.154.4622 hoặc đăng ký tư vấn trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài Viết Liên Quan

Trả lời