Mổ tinh hoàn có nguy hiểm không?

Mổ tinh hoàn là thủ thuật y tế được sử dụng để điều trị một số vấn đề ảnh hưởng đến tinh hoàn như ung thư tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, tinh hoàn ẩn… Vậy mổ tinh hoàn có nguy hiểm không? Cùng Megadom tìm hiểu trong bài viết này.

Mổ tinh hoàn có nguy hiểm không?
Mổ tinh hoàn có nguy hiểm không?

Mổ tinh hoàn là gì?

Mổ tinh hoàn (hay phẫu thuật tinh hoàn) là một thủ thuật liên quan đến một hoặc cả hai bên tinh hoàn, dùng để điều trị các tình trạng bất thường liên quan đến tinh hoàn, chẳng hạn như ung thư tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn, tinh hoàn biến dạng… 

Thông thường, mổ tinh hoàn là một thủ thuật tương đối ngắn chỉ liên quan đến một tinh hoàn. Nhưng trong một số trường hợp, có thể cần phải phẫu thuật cả hai tinh hoàn và các cấu trúc lân cận như bàng quang hoặc tuyến tiền liệt.

Bác sĩ Tiết niệu (bác sĩ phẫu thuật chuyên về giải phẫu hệ thống Tiết niệu và sinh sản nam) sẽ là người thực hiện phẫu thuật. Bác sĩ có thể chọn tiếp cận trực tiếp khu vực cần loại bỏ hoặc sửa chữa bằng quy trình mở. Hoặc quy trình này có thể thực hiện bằng phương pháp nội soi, sử dụng phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu.

Người bệnh sẽ được gây mê để không cảm thấy đau trong quá trình phẫu thuật tinh hoàn.

Lợi ích của mổ tinh hoàn

Phẫu thuật mổ tinh hoàn có những lợi ích như sau:

  • Phục hồi nhanh chóng: Mổ tinh hoàn thường không phải mở rộng cơ thể hoặc đường tiêu hóa, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn so với các phẫu thuật khác.
  • Ít đau đớn và tác động nhẹ nhàng: Quy trình phẫu thuật tinh hoàn ít gây đau đớn và tác động nhẹ nhàng đến cơ thể do không phải mổ rộng.
  • Không để lại sẹo lớn: Vì không cần phải mổ rộng nên mổ tinh hoàn thường không để lại sẹo lớn sau phẫu thuật.

Mổ tinh hoàn có nguy hiểm không?

Mổ tinh hoàn là một loại phẫu thuật tiên tiến và tương đối an toàn, tuy nhiên có một số rủi ro sau phẫu thuật mổ tinh hoàn và gây mê. Mổ tinh hoàn cũng có nguy cơ dẫn đến một số biến chứng phẫu thuật.

Một số rủi ro có thể xảy ra do mổ tinh hoàn bao gồm:

  • Nhiễm trùng
  • Phù nề
  • Đau mãn tính
  • Sẹo và tắc ống dẫn tinh
  • Vô sinh

Nhiễm trùng sau phẫu thuật hoặc sưng quá mức có thể xảy ra ngay những ngày đầu sau phẫu thuật. Sẹo có thể hình thành sau một thời gian dài sau phẫu thuật. Còn tình trạng vô sinh có thể không có biểu hiện rõ ràng cho đến nhiều năm sau.

Tuy nhiên, những rủi ro này thường rất hiếm khi xảy ra và có thể được kiểm soát bằng cách tuân thủ các quy trình an toàn và chăm sóc sau phẫu thuật đúng cách.

Mổ tinh hoàn là một phẫu thuật tương đối an toàn, nhưng cũng tiềm ẩn một số rủi ro
Mổ tinh hoàn là một phẫu thuật tương đối an toàn, nhưng cũng tiềm ẩn một số rủi ro

Mục đích của thủ thuật mổ tinh hoàn

Trong một số trường hợp, mổ tinh hoàn có thể cần thiết để bảo vệ tinh hoàn, điều trị đau hoặc khó chịu, ngăn ngừa sự lây lan của bệnh từ tinh hoàn sang các vùng khác của cơ thể và điều trị các vấn đề về khả năng sinh sản.

Mổ tinh hoàn thường được chỉ định để điều trị các trường hợp sau:

  • Xoắn tinh hoàn: Dây thừng tinh có thể xoắn, di lệch tinh hoàn và có khả năng dẫn đến cản trở lưu lượng máu đến tinh hoàn, có thể làm hỏng tinh hoàn nếu không được điều trị đúng cách. Tình trạng này là một cấp cứu ngoại khoa cần được giải quyết khẩn cấp. Xem thêm: Cách điều trị xoắn tinh hoàn tại nhà như thế nào?
  • Tinh hoàn ẩn: Tình trạng này thường được chẩn đoán ngay từ khi trẻ mới sinh ra, tình trạng này xảy ra khi một hoặc cả hai tinh hoàn vẫn nằm trong ổ bụng mà không di chuyển xuống đúng vị trí trong bìu. Thông thường, tinh hoàn ẩn có thể tự xuống bìu trước khi bé trai được một tuổi. Nếu không, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để định vị tinh hoàn vào đúng vị trí.
  • Tràn dịch tinh mạc: Tràn dịch tinh mạc là tình trạng chất lỏng tích tụ xung quanh tinh hoàn, khiến bìu sưng lên. Thông thường, tràn dịch tinh mạc sẽ tự khỏi mà không cần phẫu thuật. Nếu không tự khỏi, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
  • Chấn thương: Tinh hoàn có thể bị tổn thương hoặc có thể bị sưng hoặc tụ máu (máu dưới da) do chấn thương. Một số trường hợp chấn thương cần được điều trị bằng phẫu thuật.
  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng do vi khuẩn ở mào tinh hoàn hoặc tinh hoàn sẽ gây sưng hoặc đau ở bìu. Phương pháp điều trị thông thường bao gồm thuốc kháng sinh, chườm đá và thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp nhiễm trùng nặng hoặc nếu áp xe phát triển, có thể cần phải phẫu thuật.
  • Các khối u lành tính: Các khối u bên ngoài tinh hoàn có thể sờ thấy qua bìu thường là lành tính. Các khối rắn, nhỏ nằm trong mào tinh hoàn thường là khối u tuyến và có thể cần phải loại bỏ nếu chúng gây khó chịu hoặc bị viêm.
  • U nang: U nang là túi chứa đầy chất lỏng lành tính thường không cần điều trị. Tuy nhiên, các u nang tinh hoàn hoặc mào tinh hoàn bị đau hoặc bị nhiễm trùng có thể cần phải được loại bỏ.
  • Ung thư tinh hoàn: Một khối u xuất hiện trong tinh hoàn có thể là dấu hiệu của ung thư tinh hoàn. Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để điều trị ung thư tinh hoàn.

Có thể bạn quan tâm: Cách kiểm tra tinh hoàn bình thường để phát hiện ung thư

Chống chỉ định mổ tinh hoàn

Trong trường hợp tình trạng bệnh có thể được khắc phục mà không cần can thiệp phẫu thuật thì không cần chỉ định phẫu thuật.

Ngoài ra, nếu người bệnh có một số tình trạng bệnh lý nền khác, chẳng hạn như nhiễm trùng cấp tính thì bác sĩ có thể chỉ định điều trị bệnh lý nền này trước khi thực hiện phẫu thuật.

Trên đây là thông tin tham khảo giải đáp “mổ tinh hoàn có nguy hiểm không”. Để giảm bớt những rủi ro liên quan đến phẫu thuật, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trước và sau phẫu thuật.

Để biết thêm chi tiết, bạn vui lòng liên hệ với Bác sĩ Megadom theo số Hotline/Zalo 096.154.4622 hoặc ĐẶT LỊCH TƯ VẤN tại đây.

Bài Viết Liên Quan

Trả lời