MỤC LỤC BÀI VIẾT
Một số trẻ sinh ra với tinh hoàn lạc chỗ (cryptorchidism). Vậy tinh hoàn lạc chỗ ở trẻ sơ sinh là gì, có nguy hiểm không? Tinh hoàn lạc chỗ có con được không? Phẫu thuật điều trị diễn ra như thế nào?
Tinh hoàn lạc chỗ ở trẻ sơ sinh là gì?
Tinh hoàn phát triển trong bụng khi bé trai vẫn còn là bào thai trong bụng mẹ. Trước khi sinh, tinh hoàn thường di chuyển từ ổ bụng xuống bìu. Bìu là một túi da treo phía sau dương vật, nơi chứa tinh hoàn.
Một số trường hợp tinh hoàn không di chuyển xuống bìu trước khi trẻ được sinh ra hoặc trong vài tháng đầu đời. Tình trạng này gọi là tinh hoàn lạc chỗ (hay còn gọi là tinh hoàn ẩn).
Tinh hoàn lạc chỗ không xuống bìu trước khi sinh hoặc trong vài tháng đầu đời. Tình trạng này còn được gọi là tinh hoàn ẩn.
Khoảng 3% trẻ sinh ra với tình trạng tinh hoàn lạc chỗ, tuy nhiên tình trạng này phổ biến hơn nhiều ở trẻ sinh non (lên đến 30%). Trong số những trẻ sinh ra với tình trạng tinh hoàn lạc chỗ, có khoảng 1 nửa số trẻ tinh hoàn sẽ tự xuống bìu trong vòng vài tháng sau khi sinh.
Tinh hoàn lạc chỗ có nguy hiểm không?
Nhiệt độ ở tinh hoàn cần thấp hơn một vài độ so với nhiệt độ bình thường của cơ thể để phát triển và hoạt động tốt. Vậy tinh hoàn lạc chỗ có nguy hiểm không?
Bác sĩ Đức – Dr Megadom cho biết, nếu tinh hoàn lạc chỗ (tinh hoàn không nằm trong bìu) thì có thể dẫn đến các biến chứng bao gồm:
- Ung thư tinh hoàn: Những nam giới có tinh hoàn lạc chỗ có nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn cao hơn. Phẫu thuật tinh hoàn lạc chỗ để di chuyển tinh hoàn xuống bìu có thể làm giảm nguy cơ ung thư tinh hoàn. Nhưng nguy cơ ung thư không biến mất hoàn toàn.
- Vấn đề sinh sản: Những người đàn ông có tinh hoàn lạc chỗ có nguy cơ vô sinh cao hơn. Các vấn đề về khả năng sinh sản có thể tồi tệ hơn nếu không được điều trị trong thời gian dài.
Ngoài ra, các tình trạng sức khỏe khác có liên quan đến tinh hoàn lạc chỗ bao gồm:
- Xoắn tinh hoàn: Là tình trạng xoắn dây đưa máu đến bìu, làm cắt đứt nguồn cung cấp máu đến tinh hoàn. Nếu không điều trị nhanh chóng có thể gây tổn thương tinh hoàn vĩnh viễn đến mức phải cắt bỏ. Xem thêm: Xoắn tinh hoàn có tự khỏi được không?
- Tổn thương: Nếu một tinh hoàn lạc chỗ nằm ở háng, nó có thể bị tổn thương do áp lực lên xương mu.
- Thoát vị bẹn: Là tình trạng các tạng trong ổ bụng chui qua ống bẹn hay các điểm yếu tự nhiên của thành bụng vùng trên nếp bẹn xuống dưới da hoặc xuống vùng bìu.
Tinh hoàn lạc chỗ có con được không?
Sau khi bé trai bước qua tuổi dậy thì, tinh hoàn bắt đầu sản xuất tinh trùng. Để tạo ra tinh trùng khỏe mạnh, nhiệt độ tinh hoàn cần thấp hơn nhiệt độ trung tâm của cơ thể từ 2 đến 3 độ C. Đó là lý do tại sao tinh hoàn nằm ở bên ngoài cơ thể, bên trong bìu.
Nếu tinh hoàn không di chuyển xuống bìu, chúng có thể không hoạt động bình thường, ảnh hưởng xấu đến số lượng và chất lượng tinh trùng. Điều này có thể dẫn đến vô sinh, khó có con.
Bác sĩ Đức – Dr. Megadom chia sẻ về tình trạng tinh hoàn lạc chỗ (tinh hoàn ẩn)
Chẩn đoán tinh hoàn lạc chỗ ở trẻ sơ sinh
Để chẩn đoán tinh hoàn ẩn, bác sĩ thường đặt trẻ sơ sinh ở nơi ấm áp để giúp trẻ thư giãn. Nếu không thể sờ thấy tinh hoàn của trẻ, tinh hoàn có thể bị lạc chỗ. Bác sĩ có thể tiến hành siêu âm, tuy nhiên thủ thuật này thường không cần thiết.
Một số phương pháp kiểm tra và tìm kiếm vị trí của tinh hoàn ẩn bao gồm:
- Chụp MRI với chất tương phản: Bác sĩ tiêm chất này vào máu để cho hình ảnh rõ ràng hơn, giúp xác định tinh hoàn nằm ở háng hay bụng.
- Nội soi ổ bụng: Bác sĩ đưa một ống nhỏ có gắn camera qua một vết rạch nhỏ ở bụng. Nếu cần thiết, bác sĩ cũng có thể thực hiện phẫu thuật chỉnh sửa bằng công cụ tương tự.
- Phẫu thuật mở: Trong những trường hợp hiếm gặp và phức tạp, bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng phương pháp này để kiểm tra trực tiếp ổ bụng.
Nếu cả hai tinh hoàn đều không xuống bìu, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm di truyền để xác định nhiễm sắc thể giới tính. Một số trẻ sơ sinh nữ về mặt di truyền có cơ quan sinh dục nam bên ngoài hoặc cơ quan sinh dục không rõ ràng. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm:
- Siêu âm để kiểm tra tinh hoàn hoặc buồng trứng ẩn
- Xét nghiệm máu và nước tiểu để đo nồng độ hormone xét nghiệm di truyền để xác định nhiễm sắc thể giới tính.
Các phương pháp điều trị tinh hoàn lạc chỗ ở trẻ sơ sinh
Tinh hoàn lạc chỗ ở trẻ sơ sinh có thể tự di chuyển xuống bìu trong vòng vài tháng đầu đời. Nếu tinh hoàn của bé vẫn chưa xuống bìu khi bé được sáu tháng tuổi, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị. Bác sĩ tiết niệu nhi khoa là bác sĩ chuyên khoa điều trị tinh hoàn lạc chỗ ở trẻ.
Các phương pháp điều trị tinh hoàn lạc chỗ bao gồm:
- Liệu pháp hormone: Khi điều trị bằng hormone, trẻ sẽ được tiêm một loại hormone gọi là HCG (human chorionic gonadotropin). Điều này có thể khiến tinh hoàn di chuyển đến bìu. Nhưng điều trị bằng hormone thường không được khuyến khích vì nó kém hiệu quả hơn nhiều so với phẫu thuật.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến và hiệu quả nhất đối với tình trạng tinh hoàn lạc chỗ. Phẫu thuật di chuyển tinh hoàn xuống bìu được gọi là orchiopexy.
Phẫu thuật tinh hoàn lạc chỗ ở trẻ sơ sinh như thế nào?
Thông thường, tinh hoàn lạc chỗ được điều trị bằng phẫu thuật. Bác sĩ phẫu thuật di chuyển tinh hoàn vào bìu thông qua một vết mổ nhỏ ở háng, ở bìu hoặc cả hai, sau đó tiến hành khâu vết mổ lại.
Thời điểm phẫu thuật tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như sức khỏe của trẻ và mức độ khó của phẫu thuật. Thông thường, thời điểm phẫu thuật tốt nhất là khi trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi.
Điều trị sớm bằng phẫu thuật sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng về sức khỏe sau này.
Trong một số trường hợp, tinh hoàn có thể bị hư hỏng hoặc được làm từ mô chết. Bác sĩ phẫu thuật nên loại bỏ mô này.
Nếu trẻ bị thoát vị bẹn, khối thoát vị sẽ được sửa chữa trong quá trình phẫu thuật.
Sau ca mổ tinh hoàn lạc chỗ, trẻ có thể được đưa về nhà luôn trong ngày hoặc vào hôm sau.
Sau phẫu thuật điều trị, bác sĩ sẽ theo dõi tinh hoàn của trẻ để đảm bảo nó phát triển, hoạt động bình thường và ở nguyên vị trí. Các thủ tục để theo dõi bao gồm:
- Khám sức khỏe.
- Kiểm tra siêu âm bìu.
- Xét nghiệm nồng độ hormone.
Orchiopexy là phẫu thuật phổ biến nhất để điều trị tinh hoàn lạc chỗ ở trẻ sơ sinh và có tỷ lệ thành công gần 100%. Hầu hết các trường hợp, nguy cơ mắc các vấn đề về khả năng sinh sản sẽ biến mất sau khi điều trị bằng phẫu thuật.
Nếu đến khoảng 6 tháng tuổi mà tinh hoàn của bé không di chuyển xuống bìu hoặc không thể sờ thấy, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Trên đây là những thông tin tìm hiểu về tình trạng tinh hoàn lạc chỗ ở trẻ sơ sinh. Để được tư vấn cụ thể, bạn hãy liên hệ với Bác sĩ Megadom theo số hotline/zalo 096.154.4622 hoặc đăng ký đặt lịch tư vấn trực tuyến TẠI ĐÂY.